Cú sốc Brexit và tác động đến nền kinh tế Nga
vnba.ru – Vậy là kịch bản không được chờ đợi nhất đã trở thành sự thật sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày hôm qua (23/6/2016) cho thấy, đa số người dân Anh mong muốn rời khỏi EU. Đây thực sự là một cú sốc lớn không chỉ về mặt chính trị, mà còn về kinh tế. Nó tác động lớn đến thị trường tài chính toàn cầu. Và tất nhiên, nền kinh tế Nga cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định. Trang thông tin điện tử của Hiệp hội các nhà doanh nghiệp VN tại LB Nga (vnba.ru) xin gửi tới độc giả những nhận định của các chuyên gia cũng như lãnh đạo các Bộ, ngành kinh tế, tài chính của LB Nga liên quan đến tác động của Brexit đến nền kinh tế nước này.
Phản ứng của thị trường
Ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố với tỷ lệ 51,9% người dân Anh bỏ phiếu tán thành rời khỏi EU, thị trường tài chính thế giới nói chung, trong đó có thị trường Nga đã phản ứng một cách tiêu cực, bất chấp đã có sự chuẩn bị về tình huống này.
Giá dầu trên thị trường thế giới trong ngày hôm nay giảm mạnh tới hơn 6%: vào 6:50 (giờ Moscow), giá dầu Brent tụt xuống còn 47,60 USD/thùng – mất 6,52% giá trị so với phiên giao dịch trước đó. Trong khi đó, giá dầu WTI cũng giảm xuống dưới mốc 50 USD/thùng.
Ở chiều ngược lại, giá vàng tăng đột biến 4%, tương đương với 50 USD lên mức 1307 USD/ounce.
Trên thị trường ngoại hối Moscow, tỷ giá đồng RUB trong phiên mở cửa ngày hôm nay giảm mạnh so với đồng USD – một kết quả được dự báo từ trước. Cụ thể, chỉ trong vòng 2 phút mở đầu phiên giao dịch, tỷ giá USD đã dao động mạnh trong biên độ 65,5-67,58 RUB/1 USD. Trong khi đó, đồng EUR đã rớt xuống dưới 73 RUB/1 EUR.
Dự báo của giới chuyên gia
Trước kết quả trưng cầu dân ý tại Anh và những phản ứng đầu tiên của thị trường, các chuyên gia đã có những nhận định và dự báo tương đối khác nhau về tác động đối với nền kinh tế Nga.
Giáo sư Alexandr Abramov đến từ Viện kinh tế cấp cao nhận định: “Tất cả đều quan ngại về tương lai của đồng EUR và chuyển sang đồng USD. Do đó, chắc chắn USD sẽ tăng giá mạnh, và giá dầu giảm sâu”. Ông Abramov cũng cho rằng, trong vài ngày tới thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh. Và tình hình sẽ phụ thuộc vào các biện pháp của Ngân hàng Trung ương và chính quyền các nước trong việc trấn an dân chúng và ổn định thị trường.
Ông Abramov cho biết thêm: “Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng Brexit có thể làm thay đổi tận gốc rễ khuynh hướng phát triển của kinh tế Châu Âu. Kịch bản trong thời gian tới sẽ là: thị trường sẽ tiếp tục ảm đạm và suy thoái trong tuần sau. Tuy nhiên, đến khoảng giữa tuần, các cơ quan tài chính, ngân hàng trung ương các nước sẽ có những động thái mang tính trấn an dân chúng và ổn định thị trường”.
Liên quan trực tiếp đến thị trường Nga, Giáo sư Abramov tin rằng, lượng vốn rút khỏi Nga sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và điều quan trọng nhất là kinh tế Nga sẽ chịu ảnh hưởng của Brexit một cách gián tiếp nhưng nghiêm trọng thông qua giá dầu.
Quan điểm trên của ông Abramov nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế, trong đó có ông Rustam Tankaev – Chuyên viên chính của Hiệp hội các nhà sản xuất công nghiệp dầu khí. Theo đó, ông Tankaev cho rằng, mặc dù mất giá trị tới 6% trong phiên giao dịch sáng nay, song giá dầu nhiều khả năng sẽ quay lại mức 50 USD vào cuối tuần sau. Bởi lẽ về bản chát, Brexit không tác động trực tiếp đến thị trường và những gì diễn ra trong ngày hôm nay chủ yếu mang tính chất phản ứng về mặt tâm lý.
Tuyên bố của các quan chức kinh tế, tài chính Nga
Ngay sau kết quả trưng cầu dân ý tại Anh được công bố, các quan chức kinh tế, tài chính Nga đã có những quan điểm về tác động của Brexit đến nền kinh tế Nga. Đa số trong đó đều nhận định rằng, Brexit có ảnh hướng, nhưng không lớn đến Nga.
Cụ thể, ông Alexei Kudrin – Giám đốc trung tâm nghiên cứu chiến lược nhận định, Brexit có thể khiến cho nền kinh tế này hay nền kinh tế khác suy yếu, nhưng không ảnh hưởng đến Nga.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thì cho rằng, tác động của Brexit đối với Nga là không đáng kể. Ông Siluanov nhận định, kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng một cách gián tiếp do giá dàu giảm, đồng RUB sẽ suy yếu đôi chút trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này hoàn toàn không lớn nếu như so với những gì Nga đã và đang trải qua.
Cũng trong ngày hôm nay, Ngân hàng Trung ương Nga trong cuộc họp báo của mình đã nhận định: Brexit không mang đến những nguy cơ trực tiếp đối với Nga. Cụ thể, người phát ngôn của Ngân hàng Trung ương Nga cho biết: “Ngân hàng Trung ương theo dõi tình hình một cách sát sao và nhận thấy, Brexit không mang đến nguy cơ trực tiếp đối với Nga. Và trong trường hợp thị trường bất ổn, Nga cũng có đầy đủ những công cụ để đối phó”./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn vnba.ru là vi phạm bản quyền.
Bài viết cùng chuyên mục
vnba.ru – Theo thông tin được đăng tải trên tạp chí Interfax dẫn nguồn số liệu từ báo cáo định…
vnba.ru – Theo thông tin được đăng tải trên thời báo RBC dẫn nguồn số liệu từ công ty phân…
vnba.ru – Theo thông tin đăng tải trên chuyên trang kinh tế Vestifinance dẫn nguồn số liệu từ Bộ Phát…
Thư ký báo chí văn phòng thủ tướng Nga cho biết: “Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sẽ tiến hành phiên…
Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực toàn cầu đã tăng đến mức…
vnba.ru- Từ 1 tháng 1 năm 2017, bất kỳ một người Nga nào cũng có thể nhận 1 ha đất…